Vừng là loại hạt được sử dụng rộng rãi từ hàng nghìn năm nay bởi nhiều thói quen ăn uống xa xưa. Có ba dạng vừng: vừng trắng, đen và nâu. Trong các nền văn hóa ẩm thực, vừng được sử dụng với rất nhiều mục đích, chẳng hạn như trang trí thức ăn của người phương Tây. Dầu vừng được chiết xuất từ hạt và sử dụng trong các công thức nấu ăn, dược phẩm cũng như mỹ phẩm. Mặc dù vậy vừng lại có thể dễ gây dị ứng cho người sử dụng.
FDA cho biết, dị ứng với vừng không phải là mới. Mặc dù nó được mô tả lần đầu tiên vào năm 1950 nhưng nó có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí JAMA Network Open (Mỹ), có khoảng 1,1 triệu người ở Mỹ bị dị ứng vừng.
Các chuyên gia cho rằng việc thêm vừng vào danh sách chất gây dị ứng chính sẽ giúp những người bị dị ứng thận trọng hơn. Các nhà sản xuất thực phẩm phải xác định vừng là chất gây dị ứng trên nhãn và có biện pháp ngăn ngừa tiếp xúc chéo với chất gây dị ứng này trong cơ sở sản xuất. Những quy định này đã được áp dụng cho các chất gây dị ứng thực phẩm chính khác, bao gồm: trứng, lúa mì, đậu phộng, sữa, đậu nành, hạt cây, cá và động vật có vỏ.
Cliffiord Bassett, Trợ lý giáo sư lâm sàng chuyên về dị ứng tại Trường Y khoa NYU Grossman cho biết, dị ứng vừng (mè) có thể dẫn đến phản ứng nghiêm trọng, mặc dù nó thường liên quan đến phát ban và nổi mề đay. Trước khi có quy định mới, vừng không phải lúc nào cũng dễ dàng được xác định trên nhãn thực phẩm. Sau khi nhà sản xuất tuân thủ quy định mới, những người bị dị ứng vừng sẽ chỉ cần nhìn vào nhãn thực phẩm để xác định xem sản phẩm có chứa chất gây dị ứng này hay không. Điều đó sẽ giúp giảm bớt một số phản ứng bất lợi mà người bị dị ứng vừng có thể gặp phải.
Dị ứng vừng có thể xảy ra với mọi người ở tất cả lứa tuổi. Theo nghiên cứu, các chất gây dị ứng vừng có cấu trúc sinh hóa tương tự như các chất gây dị ứng đậu phộng, những người bị dị ứng vừng có nguy cơ bị dị ứng do ăn đậu phộng và ngược lại. Điều này được gọi là phản ứng chéo khi một chất tương tự với chất khác và hệ thống miễn dịch phản ứng với cả hai như nhau.
Có thể cũng có phản ứng chéo giữa các chất gây dị ứng vừng và lúa mạch đen, kiwi, hạt anh túc và các loại hạt cây như quả óc chó đen, hạt điều, quả hồ trăn và hạt mắc ca. Do đó những người bị dị ứng vừng nên đi khám và tư vấn bác sĩ về những loại thực phẩm khác cần tránh.
Theo TS. BS Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội, có nhiều loại thực phẩm có thể gây dị ứng nhưng một số loại phổ biến hơn những loại khác. Các thực phẩm phổ biến gây dị ứng được xác định bao gồm: sữa, đậu nành, trứng, lúa mì, đậu phộng, hạt cây, cá, động vật có vỏ và vừng.
Các chất gây dị ứng chính có trong thực phẩm thường là các protein có nguồn gốc từ động vật và thực vật, các protein này thường bền vững với nhiệt độ. Do đó mặc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao, chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người.
Phản ứng dị ứng thực phẩm không phải ai cũng giống nhau. Tuy nhiên có các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm: ngứa miệng, cảm giác nóng bỏng ở môi và miệng; sưng miệng, môi và mặt; phát ban trên da; buồn nôn hoặc nôn mửa; khó thở, khò khè; tiêu chảy… Nghiêm trọng nhất là dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Vì vậy nên tìm hiểu kiến thức về các loại thực phẩm dễ gây dị ứng. Trước khi sử dụng thực phẩm nên đọc kỹ thành phần. Cách tốt nhất là ghi nhật ký thực phẩm, theo dõi nếu đã xác định được loại thức ăn mình bị dị ứng thì tuyệt đối không ăn loại thức ăn đó nữa. Vì khi đã có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn cụ thể thì nguy cơ bị dị ứng ở những lần tiếp theo sẽ cao hơn và mức độ có thể nghiêm trọng hơn. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bị dị ứng sau khi ăn cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
An Dương (T/h)
(Nguồn vietq.vn | Ngày 06/02/2023)