Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ) là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Tăng trưởng kinh tế là sự tăng gia tăng về quy mô sản lượng của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Đó là kết quả của tất cả các hoạt động sản xuất và dịch vụ của nền kinh tế tạo ra. Phát triển kinh tế là sự tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Trong đó bao gồm cả sự tăng về quy mô sản lượng (tăng trưởng) và sự thay đổi về cơ cấu kinh tế – xã hội theo hướng tích cực.
Từ khái niệm trên, cho thấy rằng nâng cao hay tăng NSLĐ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế. Một nền kinh tế có NSLĐ cao nghĩa là nền kinh tế đó có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn với cùng một lượng nguyên liệu/ yếu tố đầu vào, hoặc sản xuất ra số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào ít hơn. Từ đó, đời sống của người dân được nâng lên, góp phần thúc đẩy và phát triển xã hội.
Đối với doanh nghiệp, tăng NSLĐ tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư để mở rộng sản xuất. Đối với người lao động tăng NSLĐ dẫn tới lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Về lâu dài, tăng NSLĐ có ý nghĩa quan trọng đối với tạo việc làm cho người lao động.
Đối với Chính phủ, tăng NSLĐ giúp tăng nguồn thu từ thuế, có điều kiện để tăng tích lũy, mở rộng phát triền sản xuất và nâng cao phúc lợi của nhân dân. Ở chiều ngược lại, việc tăng trưởng và phát triển kinh tế cũng sẽ tạo ra những yếu tố để thúc đẩy tăng NSLĐ. Đó là, việc phân bổ lại các nguồn lực, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào những ngành có năng suất cao hơn, đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị từ đó NSLĐ bình quân chung sẽ cao hơn, tăng nhanh hơn.
Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao NSLĐ là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì nó đồng nghĩa với nâng cao chất lượng tăng trưởng, đồng nghĩa với phát triển nhanh, phát triển bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực.
Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) cho rằng, NSLĐ Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Ma-lai-xi-a 40 năm và Thái Lan 10 năm… Không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế ở phần còn lại của Châu Á, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất (điều kiện cần thiết để một nền kinh tế cất cánh, vượt qua thu nhập trung bình đến thu nhập cao).
Vậy nên, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng thì chìa khóa chính là nâng cao NSLĐ, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Nếu năng suất thấp sẽ là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững. Do đó, thúc đẩy tăng NSLĐ hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng; đặc biệt là nâng cao NSLĐ trong doanh nghiệp – khu vực đóng vai trò quyết định tới nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế.
Hoàng Dương
(Nguồn vietq.vn | Ngày 07/02/2023)